Chả cá Lã Vọng là món ngon tinh tế, dân dã của Hà Thành đã được báo chí và các trang ẩm thực hàng đầu thế giới ca ngợi. Do đó, đây là món ăn chắc chắn phải thử một lần trong đời. Cách làm chả cá Lã Vọng không khó, các bạn cũng có thể làm được đó.
Chế biến
30 phútChuẩn bị
60 phútDành cho
3-4 người
Chả cá Lã Vọng vốn là món ăn dân gian được chế biến bởi gia đình họ Đoàn, ngụ tại số 14 phố Chả Cá (trước là phố Hàng Sơn). Đến nay, chúng đã trở thành món khoái khẩu của người sành ăn Hà Thành.
Lâu dần, hai tiếng “chả cá” được gọi thành tên phố và trở thành một trong năm địa chỉ văn hoá vật chất nổi tiếng của Hà Nội xưa – nay. Ở nhà hàng này, có trưng bày một bức tượng ông Lã Vọng ngồi bó gối câu cá – biểu tượng người tài giỏi, hiệp nghĩa nhưng đang chờ thời thế để làm nên nghiệp lớn. Vì thế, thực khách đã quen gọi là chả cá Lã Vọng và nay đã trở thành tên gọi của nhà hàng cũng như tên món ăn lưu danh muôn đời..
Nguyên liệu làm chả cá Lã Vọng tại nhà
-
400g phi lê cá lăng
-
50g riềng băm
-
30g cơm mẻ
-
50g mắm tôm
-
5g bột nghệ
-
50g thì là cắt khúc
-
30g hành lá cắt khúc
-
20g đậu phộng rang
-
Gia vị: Đường trắng, nước mắm, dầu ăn
Mẹo hay: Khi mua cá lăng thì bạn nên chọn cá lăng có thân cá bóng, khi dùng tay ấn vào thịt có độ đàn hồi, không bị xây xát. Nếu chọn mua phần đầu thì chọn con có mắt vẫn còn trong, hơi lồi. Mỡ cá nên không bị cháy, trong là cá ngon, béo và ngọt.
Cách làm chả cá Lã Vọng
Bước 1 Sơ chế nguyên liệu
Đầu tiên, đem cá rửa thật sạch và để ráo nước. Sau đó, cắt chúng thành từng miếng nhỏ vừa ăn, rồi ướp cùng lượng nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn: riềng băm, cơm mẻ, mắm tôm, bột nghệ, đường và nước mắm. Xong thì trộn đều, rồi để khoảng 1 tiếng cho thấm vị.
Bước 2 Nướng chả cá
Bắc vỉ nướng lên lò than, rồi xếp các miếng cá lên trên và nướng đến khi chín, có màu vàng đều là có thể gắp ra dĩa.
Bước 3 Chiên chả cá Lã Vọng
Sau đó, bắc chảo dầu lên bếp, khi dầu sôi thì thả cá đã nướng vào chiên lại cho nóng. Tiếp đến, thêm thì là, hành lá và đậu phộng vào, xào nhanh tay rồi thưởng thức thôi.
Bước 4 Làm mắm tôm chấm chả cá Lã Vọng
Pha vào chén 1 muỗng canh mắm tôm với ¼ muỗng cafe bột ngọt, ½ muỗng canh đường, ½ muỗng cafe tỏi ớt băm, 1 muỗng canh nước cốt chanh, ½ muỗng cafe dầu tỏi, khuấy đều, nêm nếm theo khẩu vị của bạn.
Tham khảo: Cách nấu bún thang chuẩn vị của người Hà Nội
Bước 5 Thành phẩm
Chả cá ăn nóng ngay trên chảo là ngon nhất, ăn đến đâu xào đến đó nè. Khi ấy, ta sẽ cảm nhận được hương vị hòa quyện tinh tế giữa vị cá dai ngon, được chiên chín đều, vàng ruộm cùng vị hăng từ thì lá, đậu phộng rang béo ngậy, bùi bùi và mùi nồng đặc trưng của mắm tôm.
Thưởng thức
Để trọn vẹn nhất thì bạn nên ăn cùng bún tươi, và chấm với mắm tôm hoặc mắm nước bình thường vẫn ngon nhé!
Hướng dẫn lấy phi lê cá lăng
Bước 1 Cá lăng sau khi bạn mua về thì mang đi rửa sạch và xát với chanh và muối để cá không bị nhớt và khử mùi tanh của cá.
Bước 2 Đặt cá lên thớt và để con dao sắc cạnh vây ngực của cá để cắt xương cá theo đường chéo đi xuống. Lật mặt cá và lặp lại đường cắt tương tự để tách phần đầu ra khỏi thân cá. Dùng dao rạch nhẹ dọc sống lưng cá. Cắt bỏ phần đuôi của cá.
Bước 3 Cắt quanh ngực cá để phi lê. Lật miếng xương trên thớt và cắt phi lê theo hướng ngược lại từ đuôi đến đầu. Bạn sẽ có được hai miếng phi lê. Cắt phi lê thành miếng vừa ăn, rửa sạch để ráo.
Cách bảo quản cá lăng khi chưa dùng
Nếu mua cá lăng đông lạnh, bạn cần cho vào thau nước để rã đông trước khi sử dụng. Khi chưa dùng đến thì bạn hãy lót một lớp đá vụn dưới đáy hộp, đặt cá lên trên, đậy kín nắp rồi cho vào ngăn trên cùng để ngăn mùi tanh của cá lan sang chỗ khác.
Vị ngon hấp dẫn của chả cá Lã Vọng sẽ khiến ta muốn ăn mãi mà không dừng đũa được. Đặc biệt, vào hôm trời lạnh, ngồi bên bếp chả ấm áp, ta có thể thưởng thức món này bằng cả vị giác và khứu giác. Tiếng mỡ dầu trong chảo kêu lép ba lép bép rất vui tai.